Cẩm Nang dịch thuật

Phần 1: Giới thiệu về Aegisub

Phần 2: Hướng dẫn tách sub từ file Mkv

Phần 3: Cẩm nang dịch thuật cho người mới vào nghề

Phần 4: Hướng dẫn encode bằng MeGUI

 

10878886_563349910468958_1770055892_o

 

1. Chọn genre phù hợp với giọng dịch của mình
Phần này ảnh hưởng khá nhiều đến bầu không khí của câu chuyện. Giọng dịch mình khá là… cà chớn, lại thêm dốt văn không viết được mấy câu đẹp đẽ được như người ta, nên mình hay dịch mấy bộ vui vui nhẹ nhàng, như Kimi to Boku (school life comedy), và mình chỉ dịch hợp những bộ kiểu ấy thôi. Có hồi mình chạy qua thử dịch 1 bộ shoujo rồi 1 bộ shounen action, kết quả là đều không hợp. Dịch cũng không đến nỗi tệ, nhưng cứ thấy không mượt được như những bộ mình quen dịch, và lúc dịch mình cũng thấy không thoải mái.Lấy ví dụ là 1 bộ về đám hoàng gia thời Victoria chẳng hạn. Truyện nghiêm túc và chém giết rất nhiều. Xong được bạn translator vui tính cứ phang tiếng lóng vào thì thành truyện hài luôn rồi. Trang này thì được ông bá tước hét đm xong sang trang sau nữ hoàng khua kiếm gào quẩy lên đi thì còn đâu là truyện nghiêm túc. Hay 1 bộ truyện hài khác, những chỗ nên dùng tiếng lóng để tăng độ hài hước thì được bạn translator quen dịch nghiêm túc vô dịch, mất hết chất hài.
Dù vậy cũng có những bạn translators giỏi, thường là có kinh nghiệm lâu năm, genre nào cũng dịch được mà không làm hỏng bầu không khí của truyện. Còn mình thì không phải một trong những người ấy. Mình phải qua một thời gian dài đi dịch thuật và học hỏi mới biết được giọng dịch của mình hợp genre nào, nên các bạn cứ từ từ mà đi nha không cần từ Charmander nhảy lên Charizard ngay đâu.
2. Viết lại câu
Mình nghĩ đây là thế mạnh của mình và mình sử dụng kĩ năng này rất nhiều. Có nhiều cách để bày tỏ 1 ý tưởng, cái này áp dụng cho mọi loại ngôn ngữ, không chỉ riêng tiếng Việt. Các bạn nên tận dụng tối đa khả năng viết lại câu của mình (hình như học hồi cấp 1 thì phải). Nếu dịch 1 câu tiếng Anh ra tiếng Việt, giữ nguyên cấu trúc câu, mà thấy nó ngang phè và chuối củ quá thì cứ viết lại theo ý hiểu của mình. Rồi sau đó đọc lại xem ngữ nghĩa có giống với bản Anh không. Bản Anh vốn cũng không chính xác 100% với Nhật nên mình dịch sát được 90% là tốt rồi. Cá nhân mình lúc dịch dịch rất thoáng và thường xuyên viết lại câu nên bạn nào đọc truyện nhóm mình lúc đọc bản Anh sẽ thấy lạ, nhưng suy đi suy lại thì nghĩa câu vẫn không đổi. Cái mấu chốt là ở đó.

VD: Câu gốc: Hana sacrificed herself for Riku.
Dịch sát: Hana hi sinh chính mình vì Riku.

Một số câu dịch khác: Hana hiến dâng chính cơ thể mình vì Riku – Hana chấp nhận cái chết vì Riku – Hana đồng ý chết vì Riku – Hana đem thân mình ra chuộc lấy mạng sống của Riku – Vì Riku mà Hana bỏ mạng.
…Và nhiều câu dịch khác nữa.

Thấy chứ, các bạn không nhất thiết phải ‘bản Anh nó viết thế này thì tui phải dịch như thế.’ Đổi chủ ngữ xuống, đảo 2 vế trong vị ngữ, thế từ này lên đầu, đặt cụm kia xuống cuối, v.v… có rất nhiều cách để làm bản dịch mượt hơn mà vẫn giữ nghĩa.
3. Đại từ “it”
Mình nghĩ cái này là lỗi nhiều bạn newbie mắc phải. Không phải tất cả, nhưng nhiều. It hurts = nó đau, it seems like my heart’s going to burst = nó cứ như tim tôi sắp nổ tung, it’s going to be alright = nó sẽ ổn thôi, I’m going to do it = tôi sẽ làm nó, I like it = tôi thích nó, v.v… hằng hà sa số những trường hợp mà từ “it” khi dịch sang tiếng Việt sẽ rất ngang tai.

Lúc dịch hãy bỏ “it” đi. Kết hợp với tip số 2 ở trên mà biến hoá câu cho đỡ gượng. It hurts = đau quá, it seems like my heart’s going to burst = cứ như tim tôi sắp nổ tung, it’s going to be alright = mọi chuyện sẽ ổn thôi mà, I’m going to do it = tuỳ ngữ cảnh khác mà dịch khác vd như it ở đây là tham gia 1 clb thì là ‘tôi sẽ tham gia clb đó,’ I like it = tuỳ ngữ cảnh, vd có người hỏi ‘do you like it’ = ‘có thích không?’ thì trả lời sẽ là ‘có’ hoặc ‘thích’, hay trong trường hợp được tặng cho cái móc chìa khoá thì ‘tui thích cái móc này cực’, v.v…

Ghi chú: đối với những câu như ‘it’s going to be alright’, ‘it’ll be fine,’ mấy câu kiểu an ủi í (chắc thế chả biết nói sao nữa) thì “it” ở đây giống như everything, đồng nghĩa với ‘everything is going to be alright’, nên mình mới dịch theo nghĩa everything’s going to be alright = mọi chuyện sẽ ổn thôi.
4. Tiếng Anh có lúc hơi bị củ chuối
Có một số cách diễn đạt trong tiếng Anh mà dịch sang tiếng Việt nghe không hợp tai tí nào hết và nhiều bạn thì không biết cách dịch ra sao. Giờ mình mới chỉ nghĩ ra được 2 VD thường gặp nhất, nếu sau này nhớ thêm được cái nào thì sẽ bổ sung

* I wonder if… = Tôi tự hỏi rằng… Đùa chứ hồi cấp 2 làm văn kể mình mà viết câu này nộp cho cô chắc cổ phanh thây mình. Cụm ấy nghe trong tiếng Việt rất gượng. Lúc dịch hãy bỏ 3 từ ‘I wonder if’ đi và đổi câu ấy thành câu hỏi, vì chính nó là câu hỏi, I wonder if… chỉ là 1 cách diễn đạt khác thôi.
I wonder if she likes me = Does she like me?
I wonder if I can make it = Can I make it?
I wonder if people can become any more stupid = Can people become any more stupid?Rồi dịch như bình thường. Đơn giản mà, phải không?

*Somehow = Bằng cách nào đó. Thường thì nếu ngữ cảnh không liên quan đến cảm xúc con người, vd như ‘somehow they broke into the bank’ hay ‘somehow she made it,’ một hành động ấy, thì có thể dịch là ‘bằng cách nào đó’ được. Còn những trường hợp liên quan đến cảm xúc con người như ‘somehow I feel sad’ hay ‘somehow her chest becomes lighter’ thì sẽ dịch khác. Với câu đầu tiên tuỳ từng ngữ cảnh mà có thể dịch thành, ‘chẳng hiểu sao tao buồn quá mày ơi,’ ‘tự dưng buồn vô cớ’ hay ‘chả biết ăn phải cái gì mà thấy buồn ghê.’ (ngữ cảnh là truyện shounen comedy với những phần tử nhơn nhơn ; v ; vì mình không quen dịch những genre khác nên vẫn chưa nghĩ ra cách dịch nếu ngữ cảnh là trong 1 truyện tragedy siêu angst). Câu thứ 2 thì có thể là ‘như một phép màu đã hoá tan gánh nặng nơi lồng ngực cô gái’ (mình đã bảo mình dịch rất thoáng mà =v=).
5. English slangs
Những bản tiếng Anh thường các bạn translators không hay dùng tiếng lóng nhiều, nên chắc cũng không cần nói nhiều. Và tiếng lóng tiếng Anh thường bắt nguồn từ văn hoá nước người ta, cũng giống như tiếng lóng nước mình, nên không nên chằm chặp tìm cách dịch chính xác 100% là gì. Lên urbandictionary rồi xem nghĩa khái quát của từ ra sao rồi nghĩ xem VN mình có từ nào na ná không thì thế vào. VD như swag = cứng, hipster = có thể gọi là trẻ trâu nhưng cũng không hẳn là trẻ trâu vì hipsters thường không hung hăng như trẻ trâu, từ thích hợp hơn chắc là học đòi, v.v… Trường hợp này mình ít gặp nên chỉ viết được đến đây.
6. English idioms
Các bản dịch tiếng Anh dùng rất nhiều idioms (đặc ngữ), bất kể thuộc genre nào, và ra ngoài đời thì idioms được dùng thường xuyên trong cả văn nói và văn viết tiếng Anh, nên biết cách dịch/hiểu nghĩa những idioms này vô cùng quan trọng, cả về mặt dịch thuật lẫn mặt trau dồi vốn tiếng Anh của người dịch. Mình đã gặp nhiều trường hợp người dịch không hiểu idioms mà cứ nhắm mắt nhắm mũi dịch bừa và dịch sai. Một số ví dụ cho idioms: wear out, out of the blue, piece of cake, a tough cookie, break a leg, v.v…

Mình hay xài thefreedictionary để tra idioms, trên này có khá nhiều idioms và định nghĩa rõ ràng. Có nhiều idioms lúc đọc bản dịch tưởng như không có nghĩa nhưng lúc tra từ điển sẽ thấy. Đối với những trường hợp như “I will wear him out” hay “He bears her cross,” mà idioms được kết hợp với câu nói ấy, thì lên google và thay đại từ bằng one/someone, như “wear someone out” hay “bear one’s cross.” Thường thì gõ cả cụm “wear him out” vào thì vẫn tìm được, nhưng với một số idioms ít dùng hơn thì nên thay đại từ.
7. Đặt mình vào vị trí người nói
Nếu có câu nào dịch xong mà bạn không chắc có gượng hay không thì thử nói câu ấy xem. Cũng giống như tiếng Anh ấy, lúc viết mình không nhận ra lỗi sai nhưng lúc nói thì sẽ có cảm giác không đúng.

VD như câu ‘I like the feeling when I lie down next to you,’ dịch w2w sẽ là ’em thích cảm giác khi nằm bên cạnh anh.’ Giờ nói thử câu ấy xem có thấy gượng mồm không. Mình thấy gượng, nên mình tìm cách dịch khác. ‘Mỗi lần nằm cạnh anh em thấy hạnh phúc lắm,’ ‘Khi nằm bên anh em lại nghe tim mình ngập tràn hạnh phúc,’ ‘Được nằm bên anh thật là thích,’ v.v… đủ loại sến súa mà các bạn có thể nghĩ ra.
8. Dịch Hán Việt
Lưu ý: Đây chỉ là một mánh mang lại kết quả có tính chất tương đối. Mình không biết tiếng Trung, cũng không phải làm việc với những bộ shounen có hầm bà lằng các loại tuyệt chiêu như trong phim chưởng nên độ chính xác của cái này chưa được kiểm chứng.

Khi dịch truyện và gặp phải các chiêu thức mà dịch ra tiếng Việt thì củ chuối mà để nguyên tiếng Anh chắc chả mấy ai hiểu, thì phương pháp tốt nhất là dịch ra Hán Việt, nghe vừa ngầu vừa hoa mỹ. Nhưng không phải ai cũng biết dịch cho nghe xuôi tai, nên sau một vài lần vật lộn, mình đã rút ra được trò này, chia làm hai trường hợp:

– Nếu có bản tiếng Nhật* và Trung: Dùng trang web này để dò hán tự của cụm từ cần dịch, rồi có thể vào google translate hoặc một trang web từ điển Hán Việt bất kì (mình thường dùng hanviet.org) và copy + paste cụm từ đó vào, cho dịch sang tiếng Việt. Còn tuỳ vào kết quả mà các bạn có thể chọn từ, thay từ, hoặc tham khảo để tự luận ra cách dịch cụm từ ấy trong Hán Việt.

– Nếu có bản tiếng Anh: Dịch ra tiếng Việt, rồi dùng google translate dịch lại sang tiếng Trung, và từ tiếng Trung đó dịch lại ra Hán Việt bằng google translate tiếp, hoặc một trang từ điển Hán Việt.

*Một cách dò hán tự nhanh hơn cho bản tiếng Nhật (yêu cầu các bạn phải biết đọc hiragana): Đa phần các thoại đều có furignana nhỏ nhỏ bằng hiragana ở bên cạnh kanji (doujinshi thì thường không có), nếu đọc được hiragana các bạn có thể đổi keyboard sang tiếng Nhật, gõ hiragana của từ ấy ra và chọn kanji tương ứng rồi đem đi dịch ra Hán Việt, cũng không mất quá nhiều thời gian đâu. Nếu các bạn vẫn chưa tưởng tượng ra furigana là cái gì thì đây, những chỗ mình khoanh đỏ ấy: http://i.imgur.com/YOHsHtq.png(chân thành cám ơn nhóm Polaris đã cho mình mượn raw ).

Xin nhắc lại, phương pháp này chỉ có tính tương đối, độ chính xác không phải 100%, nhất là dịch từ tiếng Anh ra Trung rồi ra Việt. Cá nhân mình khuyến khích dùng bản tiếng Trung. Dù quả là rất mất thời gian, nhưng tiếng Trung và tiếng Việt khá gần với nhau, hoặc ít ra thì gần hơn tiếng Việt với tiếng Nhật và tiếng Anh. Mình chưa có nhiều cơ hội sử dụng mánh này, nhưng khi dùng thấy cũng không đến nỗi nào. Mọi người có dịp thì thử xem sao ha.
9. Lỗi thường gặp
Dưới đây là (hiện tại thì mới nghĩ ra) một lỗi hiểu sai nghĩa dẫn đến dịch sai mà mình thường gặp.

*I see = Tôi thấy. Thực ra đúng nghĩa đen thì không sai, nhưng mình chưa bao giờ thấy “I see” được dùng theo nghĩa đen. Cùng lắm thì là “I see [something/someone]” là “Tôi nhìn thấy [vật gì đó/người nào đó]”, và đây chắc chắn không phải là ý của người nói khi họ bảo “I see.” Cụm này nghĩa là “tôi hiểu,” có thể dịch thành: tôi hiểu, ra vậy, hiểu rồi, hoá ra là thế, vân vân và mây mây tuỳ ngữ cảnh. Túm cái váy lại, “I see” không có nghĩa là “Tôi thấy.” Có thể các bạn khi dịch hiểu cụm này, và “tôi thấy” ở đây ý là “tôi thấy vấn đề nó thế nào rồi,” nhưng mình thấy ngoài đời chẳng ai nói một câu vừa cụt lủn vừa tối nghĩa “Tôi thấy” cả.

 

Tip cuối cùng:
Đối với những bạn thực sự muốn theo nghề dịch thuật một cách nghiêm túc thì nên đọc thật nhiều truyện dịch và bản Anh, xem xem người dịch dịch sai chỗ nào, thiếu chỗ nào, xem những chỗ mình không dịch được mà người ta dịch được, so sánh bản dịch của mình với người ta, v.v… Và nhớ trau dồi cả vốn tiếng Anh lẫn tiếng Việt nữa. Giỏi tiếng là một chuyện, dịch chán thì cũng vứt. Dịch hay là một chuyện, dịch sai tùm lum thì cũng vứt.

 

- Đã đóng bình luận -